Thursday, October 18, 2012

Thí nghiệm trong kinh tế học

Nhân giải Nobel kinh tế năm nay một phần nhắc đến các thí nghiệm của Al Roth, tôi nhớ đến điều đầu tiên tôi được học về thí nghiệm trong kinh tế: Trong kinh tế, thí nghiệm không được "lừa gạt" người tham gia (no deception rule). Điều này khác với các ngành khoa học xã hội có thí nghiệm trên đối tượng con người, ví dụ như trong tâm lý học. Nhiều thí nghiệm nổi tiếng của tâm lý học, ví dụ như thí nghiệm của Milgram (1963) về giới hạn của sự dã man của con người trong hoàn cảnh bị điều khiển, thực hiện được và có ý nghĩa nhờ vào việc người tham gia bị lầm tưởng họ đang thực sự tra tấn một người khác (thực tế là chỉ có một người cộng sự giả vờ đang bị tra tấn). Lý do trong thí nghiệm kinh tế học không được lừa gạt đối tượng, và việc sử dụng cộng sự (confederate) bị ngăn cản, không phải vì yếu tố đạo đức, mà chủ yếu vì việc nó sẽ ảnh hưởng đến suy luận và kỳ vọng của những người tham gia các thí nghiệm khác trong tương lai. Nếu việc lừa gạt người tham gia thí nghiệm trở nên phổ biến, thì sau này những người tham gia các thí nghiệm khác sẽ dự trù được khả năng có lừa gạt (dù thực ra có thể không hề có), và vì thế sẽ thay đổi hành vi của họ. Như vậy, kết quả thí nghiệm không hoàn toàn phản ánh hành vi của con người theo đúng tinh thần thí nghiệm được thiết kế nữa.

Lấy một ví dụ: Trong một thí nghiệm, người chơi đầu tư một khoản tiền nhỏ làm một bài tập nhỏ (quizz), và được thông báo là sẽ được thưởng tỷ lệ theo điểm bài quizz. Sau thí nghiệm, một nhóm người chơi được chọn ngẫu nhiên và được cho thêm tiền thưởng gấp 2. Mục đích của thí nghiệm như thế này là để xem xem trong vòng quizz thứ hai, liệu những người được thưởng cao hơn có trở nên tự tin hơn, và làm bài tốt hơn không (ví dụ như thế). Thiết kế thí nghiệm như thế này đảm bảo được việc xác định chính xác kết quả của giải thưởng lên khả năng và tâm lý người chơi. Tuy vậy, vấn đề là người chơi vẫn bị lừa gạt (dù là lừa gạt tốt lên). Điều này ảnh hưởng đến tương lai các thí nghiệm khác. Ví dụ, thí nghiệm này sau này quá nổi tiếng, lên báo, đài vv. đến mức ai cũng biết. Như thế, bất kỳ người nào tham gia một thí nghiệm khác sau này cũng có thể nghĩ trong đầu rằng "biết đâu rằng mình sẽ được tăng gấp đôi khoản tiền thưởng, như trong cái thí nghiệm nổi tiếng đấy"; và việc này rõ ràng sẽ thay đổi động lực của người chơi. Thay đổi như thế nào cũng khó nói trước, và chính vì thế cả ngành kinh tế thí nghiệm muốn hạn chế sự lừa gạt trong thí nghiệm.

Điều này tôi được học trong một Summer school ở Trento về kinh tế hành vi và kinh tế thí nghiệm (có lẽ là David Laibson nhắc đến đầu tiên). Tôi nhớ trong lớp kinh tế thí nghiệm của Al Roth cũng nhắc đến. Gần đây, càng ngày tôi càng thấy có nhiều bài về thí nghiệm kinh tế, nhất là thí nghiệm trên điều kiện thực tế (field experiment), có phần nào sử dụng sự lừa gạt, theo nghĩa là người chơi không được biết chính xác về toàn bộ trò chơi ngay từ lúc đầu. Những bài báo đặc biệt nổi tiếng gần đây, của Karlan & Zinman (2009 Econometrica), Cohen & Dupas (2010 QJE) hay Ashraf, Berry & Shapiro (2010 AER), đều thiết kế thí nghiệm có sử dụng sự lừa gạt như vậy.

Có lẽ cũng nên model ảnh hưởng của việc này lên tập hợp người tham gia thí nghiệm (subject pool), thậm chí là nên test xem có ảnh hưởng đáng kể không.

Update: Vừa check thì hóa ra là chính Karlan đã làm về vấn đền deception trong thí nghiệm từ lâu rồi, bài ở đây. Phải nói là tôi rất thích các nghiên cứu của anh Dean Karlan.

Thursday, October 11, 2012

Nobel Kinh tế học 2012

Lại đến mùa giải Nobel, nhưng từ năm ngoái pool dự đoán kết quả ở Harvard đã bị nhà trường yêu cầu đóng. Xem lại một post từ năm 2010, tôi mới phát hiện ra là mình dự đoán gần như trúng phóc về giải cho econometrics (Sims, Hansen và Sargent), nhưng là dự đoán sớm một năm. Sims và Sargent đã được giải năm ngoái.

Đối với giải năm nào thì danh sách những người được cite nhiều nhất cũng không khác nhau mấy (ví dụ xem ở đây, hoặc ở đây). Thomson Reuters cũng dự đoán hàng năm, và thường xuyên sai. Nhưng họ lại thông báo danh sách những người từng được dự báo và từng được trúng. Dĩ nhiên là có nhiều người trong số những người họ dự báo sẽ được giải vào một năm nào đấy -- cái khó đoán ở đây là thời điểm, không phải danh tính người được giải.

Năm nay tôi không hứng thú lắm chuyện dự báo economists, vì cũng điểm mặt nhắc tên nhiều đến những cây cao bóng cả rồi. Có một vài cái tên "ngoại đạo" mà tôi thích hơn chút: nhà xã hội học Granovetter về mạng xã hội, hay là Posner và Shavell về luật và kinh tế.

Ở Pháp có Jean Tirole là người có nhiều khả năng được giải nhất, dù cũng vẫn còn hơi trẻ một chút. Có lẽ năm nay thành viên nổi bật nhất trong ủy ban giải Nobel kinh tế vẫn là Per Krusell. Nhìn vào lựa chọn năm ngoái là Sims và Sargent, dễ nhận xét Krusell là người có ảnh hưởng nhất trong ủy ban. Nhưng khó mà 2 năm liền trao giải cho macro, nên cũng không nói được gì trước. (Ngoài lề: nghe nói Krusell thích nghiên cứu của Joel Mokyr?)

Update: Hôm nay đã thông báo trao giải thưởng kinh tế cho Alvin Roth và Lloyd Shapley. Chúc mừng cả hai, đặc biệt là Al. Tôi đã được học lớp của Al, đã từng hỏi ý kiến của ông về việc thực hiện thí nghiệm kinh tế. Ông là một nhà kinh tế đặc biệt xuất chúng; vì có những đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực, từ lý thuyết bargaining (trò chơi hợp tác) cho đến thiết kế thị trường và thí nghiệm. Không kể hết ra đây được. Chắc tôi đã từng nêu tên ông là một trong những người có khả năng được giải sớm nhất ở Harvard (khi nào phải tìm lại trong blog cũ). Tuy nhiên, năm nay ông đã nhận lời chuyển sang Stanford, và vì thế trường Harvard lại trượt mất một giải Nobel kinh tế. Đây dường như là "curse" với Harvard về kinh tế: người cuối cùng được giải ở Harvard là Ken Arrow!! Nhiều người như Robert Merton, Amartya Sen, hay kể cả Eric Maskin, xây dựng hầu hết sự nghiệp ở Harvard, nhưng sau đó lại được giải Nobel khi đã chuyển sang nơi khác, và cuối cùng lại quay về Harvard.

Saturday, August 11, 2012

Giải quyết Homophily

Tôi mới tìm thấy và đọc qua một số nghiên cứu của Greg Ver Steeg, nghiên cứu viên ở Information Science Institute, University of South California (Đại học Nam California). Lý do là vì Ver Steeg quan tâm và đưa ra một số hướng giải quyết vấn đề tách homophily và influence trên các mạng xã hội (social networks). Đây là một câu hỏi thực nghiệm rất khó: Khi ta quan sát được một hành động/thuộc tính có liên hệ chặt chẽ giữa các  "đỉnh" (nôm na là các cá nhân) của một mạng quan hệ xã hội, liệu điều này phản ánh sự ảnh hưởng lẫn nhau trên mạng xã hội (theo cách giải thích này thì mạng xã hội đóng vai trò chính), hay chỉ thể hiện việc các đỉnh (cá nhân) này có những tính chất (ẩn hoặc quan sát được) giống nhau, và những tính chất này cùng thể hiện ra hành động/thuộc tính ta quan sát được (theo cách giải thích này thì mạng xã hội không đóng vai trò gì). Nhìn chung, để giải quyết được vấn đề thống kê này, chỉ có cách tạo kết nối trên mạng xã hội một cách ngẫu nhiên (randomize). (Hoặc có "biến công cụ" - instrumental variable - có sự ngẫu nhiên như vậy.) Điều này rất khó trong thực tế. Nếu Ver Steeg đưa ra lời giải tốt, thì có thể có những ứng dụng đặc biệt quan trọng trong kinh tế và xã hội học.

Tuy vậy, đọc qua thì tôi không cảm thấy thỏa mãn lắm. Đúng là khó có cách giải quyết tốt về mặt lý thuyết được. Ver Steeg có một nghiên cứu đề xuất một cách thử homophily, tuy vậy tôi nghĩ cách này tương đối yếu, và vẫn dựa vào giả thuyết thêm là yếu tố homophily không thay đổi theo thời gian. Còn lại, các nghiên cứu khác vẫn dựa vào mô hình cụ thể, vì thế khó có thể giải quyết vấn đề tổng quát.

Tôi viết ngắn gọn một chút để sau sẽ xem thêm các nghiên cứu về mạng xã hội trong ngành khoa học máy tính. Có lẽ có rất nhiều kết quả thú vị.

Thursday, June 7, 2012

Blog tập hợp data về kinh tế phát triển - kinh tế chính trị

Masayuki Kudamatsu, phó giáo sư (Assistant Professor) ở Học viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (IIES), Đại học Stockholm, thành lập và cập nhật một blog về các cơ sở dữ liệu được dùng trong nghiên cứu kinh tế phát triển. Blog link ở đây: http://devecondata.blogspot.sg/
Địa chỉ website cá nhân của Kudamatsu ở đây: http://people.su.se/~mkuda/HOME.html. IIES là một trong những trường kinh tế hàng đầu ở châu Âu (có lẽ chỉ sau LSE và U Pompeu Fabra), nhất là về kinh tế chính trị.

Kudamatsu có một bài nghiên cứu làm cùng với thầy giáo cũ ở LSE là Tim Besley rất thú vị, tên là "Làm cho nền chuyên chế chạy được" (Making Autocracy Work), đã đăng trong cuốn sách "Thể chế và kết quả kinh tế" (Institutions and Economic Performance) do Elhanan Helpman biên tập. Link đến bài này có thể tìm trên google scholar, ví dụ như link từ STICERD: http://sticerd.lse.ac.uk/dps/de/dedps48.pdf. Bài tóm tắt mang tính phổ thông trên VoxEU ở đây: http://www.voxeu.org/index.php?q=node/356.

Bài này đặt tên để nhắc lại cuốn sách nổi tiếng "Làm cho nền dân chủ chạy được" (Making Democracy Work) của Robert Putnam. Besley và Kudamatsu phát triển theo quan điểm là trong những nền chuyên chế (tức là phi dân chủ) cũng có những lực lượng giám sát, cân bằng, gây sức ép với chính quyền hiện hành để đưa ra chính sách kinh tế hợp lý. Có điều, vì cơ chế khác nhiều với môi trường dân chủ, thường là không có sự ổn định giữa chính sách hay hay dở, nên kết quả là các thể chế chuyên chế có thể thành công, song cũng có thể gặp vô vàn thất bại. Đây là một quan điểm khá thú vị, và bổ sung thêm cho hai quan điểm chính về các nước chuyên chế trong khoa học kinh tế chính trị. Hai quan điểm chính này thuộc về Acemoglu và Robinson ("Những nguồn gốc kinh tế của nền dân chủ và nền độc tài" - Economic Origins of Dictatorship and Democracy), và Bueno de Mesquita và đồng tác giả ("Logic của sự sống còn trong chính trị" - Logic of Political Survival). Sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách hiểu những lực lượng giám sát và cân bằng (checks and balances) trong môi trường chuyên chế/độc tài. Acemoglu và Robinson chú trọng vào mối đe doạ cách mạng đến từ dân chúng, Bueno de Mesquita và đồng tác giả chú trọng vào vai trò của nhóm người có thực quyền lựa chọn ra lãnh đạo (họ đưa ra từ "selectorate", xuất phát từ select và electorate), còn Besley và Kudamatsu quan tâm đến hiện tượng nhà lãnh đạo bị thay thế nếu như không có khả năng đưa ra chính sách đúng đắn.

Tuesday, June 5, 2012

Sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng trong các bang ở Mỹ

Tôi đã nhắc qua về bài này trên blog Duy Lý Nhân, nhưng nghĩ lại thấy để bên blog này hợp lý hơn. Đây là một nghiên cứu mới của tôi về sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng ở Mỹ mới được trích dẫn trên một số blog, báo LA Times và NPR:
Bài nghiên cứu gốc có tựa đề "Thủ phủ bị cô lập, mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, và tham nhũng: Bằng chứng từ các bang của Mỹ" có thể xem ở đây: http://www.mysmu.edu/faculty/quocanhdo/default_files/Papers/CorruptionStates%20%28May12%29_merged.pdf. (Tôi tạm dịch chữ "accountability" là "mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, nhờ mọi người tìm cách khác tốt hơn.)


Bài nghiên cứu này xuất phát từ chương trình nghiên cứu của tôi và anh Filipe R. Campante (bạn học cũ, hiện là Assistant Professor ở Harvard Kennedy School) về vai trò của sự tập trung dân chúng ở các trung tâm chính trị. Mạch suy luận điển hình trong chương trình nghiên cứu này là nếu dân chúng sống tập trung hơn xung quanh các trung tâm chính trị, thì dân chúng có ảnh hưởng hơn, có tiếng nói hơn đối với chất lượng chính sách và cuộc sống chính trị. Tuy vậy, tuỳ theo môi trường thể chế, sự ảnh hưởng này có cách thể hiện rất khác nhau. Trong câu chuyện ở Mỹ trong bài nghiên cứu này, thì kênh dẫn chính của ảnh hưởng của dân chúng là các phương tiện báo chí. Ở các bang có dân cư sinh sống gần với thủ phủ hơn, báo chí sẽ tích cực đưa tin về chính trị ở mức bang hơn, và vì thế chính quyền bang chịu sức ép và phải có trách nhiệm hoạt động trong sạch và tốt hơn. Một yếu tố khác là nhờ báo chí đưa tin nhiều hơn, cư dân sống gần với thủ phủ của bang cũng có xu hướng đi bầu cử ở mức bang nhiều hơn (trong khi điều này không ảnh hưởng đến việc đi bầu cử mức liên bang, như là bầu cử tổng thống.) Việc cư dân sống gần thủ phủ hơn cũng làm cho chính quyền bang lo chi tiêu cho chính sách công nhiều hơn, và hạn chế việc các nhóm lợi ích bơm tiền vào hoạt động chính trị. Cụ thể chi tiết có thể xem trong bài viết.

Chương trình nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu từ khoảng năm 2004, khi chúng tôi vẫn còn chung nhau một căn hộ ở Cambridge. Chương trình này cũng đã sinh ra một vài nghiên cứu, nhưng có lẽ bài viết về các bang ở Mỹ sẽ được giới khoa học kinh tế chú ý nhất.

Update: - Thực ra tôi đã nhắc đến một nghiên cứu khác trong chương trình nghiên cứu này, link ở đây: http://ytuongkinhtehoc.blogspot.sg/2010/09/nghien-cuu-cua-toi.html.
- Blog Marginal Revolution lại nhắc đến 2 bài nghiên cứu này ở đây: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2012/08/are-isolated-capital-cities-worse.html.