Tuesday, June 5, 2012

Sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng trong các bang ở Mỹ

Tôi đã nhắc qua về bài này trên blog Duy Lý Nhân, nhưng nghĩ lại thấy để bên blog này hợp lý hơn. Đây là một nghiên cứu mới của tôi về sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng ở Mỹ mới được trích dẫn trên một số blog, báo LA Times và NPR:
Bài nghiên cứu gốc có tựa đề "Thủ phủ bị cô lập, mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, và tham nhũng: Bằng chứng từ các bang của Mỹ" có thể xem ở đây: http://www.mysmu.edu/faculty/quocanhdo/default_files/Papers/CorruptionStates%20%28May12%29_merged.pdf. (Tôi tạm dịch chữ "accountability" là "mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, nhờ mọi người tìm cách khác tốt hơn.)


Bài nghiên cứu này xuất phát từ chương trình nghiên cứu của tôi và anh Filipe R. Campante (bạn học cũ, hiện là Assistant Professor ở Harvard Kennedy School) về vai trò của sự tập trung dân chúng ở các trung tâm chính trị. Mạch suy luận điển hình trong chương trình nghiên cứu này là nếu dân chúng sống tập trung hơn xung quanh các trung tâm chính trị, thì dân chúng có ảnh hưởng hơn, có tiếng nói hơn đối với chất lượng chính sách và cuộc sống chính trị. Tuy vậy, tuỳ theo môi trường thể chế, sự ảnh hưởng này có cách thể hiện rất khác nhau. Trong câu chuyện ở Mỹ trong bài nghiên cứu này, thì kênh dẫn chính của ảnh hưởng của dân chúng là các phương tiện báo chí. Ở các bang có dân cư sinh sống gần với thủ phủ hơn, báo chí sẽ tích cực đưa tin về chính trị ở mức bang hơn, và vì thế chính quyền bang chịu sức ép và phải có trách nhiệm hoạt động trong sạch và tốt hơn. Một yếu tố khác là nhờ báo chí đưa tin nhiều hơn, cư dân sống gần với thủ phủ của bang cũng có xu hướng đi bầu cử ở mức bang nhiều hơn (trong khi điều này không ảnh hưởng đến việc đi bầu cử mức liên bang, như là bầu cử tổng thống.) Việc cư dân sống gần thủ phủ hơn cũng làm cho chính quyền bang lo chi tiêu cho chính sách công nhiều hơn, và hạn chế việc các nhóm lợi ích bơm tiền vào hoạt động chính trị. Cụ thể chi tiết có thể xem trong bài viết.

Chương trình nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu từ khoảng năm 2004, khi chúng tôi vẫn còn chung nhau một căn hộ ở Cambridge. Chương trình này cũng đã sinh ra một vài nghiên cứu, nhưng có lẽ bài viết về các bang ở Mỹ sẽ được giới khoa học kinh tế chú ý nhất.

Update: - Thực ra tôi đã nhắc đến một nghiên cứu khác trong chương trình nghiên cứu này, link ở đây: http://ytuongkinhtehoc.blogspot.sg/2010/09/nghien-cuu-cua-toi.html.
- Blog Marginal Revolution lại nhắc đến 2 bài nghiên cứu này ở đây: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2012/08/are-isolated-capital-cities-worse.html.

No comments:

Post a Comment