Khó khăn điển hình của tất cả những nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề này là việc không thể định dạng (identify) chính xác được đâu là tác động của thể chế, đâu là tác động của các yếu tố khác, bao gồm rất nhiều đặc điểm riêng về văn hoá, địa lý, lịch sử, nhân chủng của mỗi quốc gia. Ngay cả nghiên cứu của Acemoglu, Johnson và Robinson sử dụng tỷ lệ tử vong của người định cư phương Tây cũng có những thiếu sót khó tránh khỏi.
Để giải quyết vấn đề định dạng (identification), phương hướng đi sâu là tìm những thí nghiệm tự nhiên, trong đó các nước/lãnh thổ vì một lý do ngẫu nhiên nào đó bị chiếm đóng và được du nhập thể chế kiểu Anh, thay vì kiểu Pháp (hơn nữa, lý do này không ảnh hưởng đến các yếu tố khác). Rất khó tìm được những thí nghiệm tự nhiên như vậy. Ví dụ có nghiên cứu của Acemoglu, Cantoni, Johnson, Robinson dựa vào sự chiếm đóng của quân đội Napoléon ở các bang của Đức để tìm hiểu ảnh hưởng của sự giải phóng về thể chế (kết quả là tác động tốt của thể chế Napoléonean) (bài này cũng đã được diễn giải trên voxeu).
Việc tìm được một thí nghiệm tự nhiên tốt về vấn đề nguồn gốc thể chế sẽ dẫn đến những kết quả mạnh và có ảnh hưởng lớn trong kinh tế thể chế. Đây cũng là một câu hỏi mà tôi vẫn thường nghĩ. Hiện giờ, tôi có những ý tưởng rất sơ khai như sau:
- Có thể tìm hiểu những nhượng địa ở Thượng Hải: nhà Thanh phải ký nhiều hiệp ước nhượng đất cho các cường quốc phương Tây, đặc biệt ở Thượng Hải. Có thể những nhượng địa này chịu ảnh hưởng lâu dài của các thể chế khác nhau. Tuy vậy, tôi cảm giác rằng hướng này không đi đến đâu, vì nước Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã nhổ tận gốc những mầm mống thể chế trước đó. May ra nếu tìm được dữ liệu chi tiết của các nhượng địa này vào thời 1950-1955 thì còn có thể thấy tác động; tuy nhiên điều này không khả thi.
- Có thể tìm hiểu sự di cư của người Hoa đến các nước Đông Nam Á. Địa điểm di cư về cơ bản không ngẫu nhiên; tuy vậy dường như người Hoa di cư đến những địa điểm đã có sẵn người Hoa, và điều này có thể lùi lại nhiều thế kỷ đến thời kỳ Trịnh Hoà đi thám hiểm Đông Nam Á (có thể giả sử rằng địa điểm dừng chân khá ngẫu nhiên). Để chính xác hơn, có thể hạn chế vào một quốc gia, chẳng hạn như Malaysia. Nghiên cứu này có thể cũng thú vị, nếu như có đủ dữ liệu để làm. Câu hỏi ở đây không hẳn là về thể chế chính trị và kinh tế của phương Tây, mà là về thể chế xã hội và kinh tế của một bộ phận quan trọng người nhập cư có nguồn gốc khác hẳn với người bản địa.
Nguồn gốc ngẫu nhiên theo nghĩa nào nhỉ, chị vẫn chưa hiểu lắm. Ví dụ đội hơn 1000 người ban đầu đi theo hoàng tử Lý Long Tường sang Cao ly, cập bến ở chỗ nào đó, dừng chân và phát triển thì được coi là ngẫu nhiên chứ???
ReplyDeleteVí dụ của chị Nkd chưa cụ thể lắm, nên cũng khó chỉ ra đâu là yếu tố ngẫu nhiên, đâu là yếu tố tiền định bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác. Nguồn gốc ngẫu nhiên của một hiệu ứng T (treatment), trong ngôn ngữ của phương pháp so sánh thống kê tìm quan hệ nhân quả (causation) kiểu Neyman-Rubin, là một yếu tố ngẫu nhiên chọn nhóm có nhận hiệu ứng T (treatment group) so với nhóm không được nhận hiệu ứng T (control group). Ví dụ như so sánh nhóm một số người ngẫu nhiên trúng xổ số hay số đề với nhóm không trúng thì sẽ xác định được mối liên hệ nhân quả giữa chuyện hưởng lộc trời cho và các hành vi sau đó (đem đi đánh bạc tiếp, hay mua nhà mua xe làm kinh doanh vv.)
ReplyDeleteTrong ví dụ của chị Nkd, có thể nghĩ rằng vào thời điểm Lý Long Tường dừng lại ở Cao Ly, thì ông ngẫu nhiên dừng ở Cao Ly chứ không phải Đài Loan. Như thế có thể so sánh sự phát triển giữa hai địa phương này. Khó khăn là ở chỗ chỉ có 1-2 quan sát, và hiện tượng đã xảy ra quá lâu rồi.
Có hai làng ở VN nằm cạnh nhau. 100 % dân số của làng 1 theo đạo tin lành được hơn 100 năm, làng 2 có 1 ít dân theo đạo phật còn lại phần lớn dân số không theo đạo gì. Trường hợp này có dùng được coi là ngẫu nhiên không anh Quốc Anh?
ReplyDeleteMột trường hợp khác là có một số nhóm dân tộc thiểu số ở bắc VN di cư từ TQ sang cách đây khoảng 300-400 năm. Tuy chia thành nhiều đợt nhưng địa điểm di cư đến là khác nhau. Vậy có thể coi là ngẫu nhiên không anh Quốc Anh?