Thursday, June 7, 2012

Blog tập hợp data về kinh tế phát triển - kinh tế chính trị

Masayuki Kudamatsu, phó giáo sư (Assistant Professor) ở Học viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (IIES), Đại học Stockholm, thành lập và cập nhật một blog về các cơ sở dữ liệu được dùng trong nghiên cứu kinh tế phát triển. Blog link ở đây: http://devecondata.blogspot.sg/
Địa chỉ website cá nhân của Kudamatsu ở đây: http://people.su.se/~mkuda/HOME.html. IIES là một trong những trường kinh tế hàng đầu ở châu Âu (có lẽ chỉ sau LSE và U Pompeu Fabra), nhất là về kinh tế chính trị.

Kudamatsu có một bài nghiên cứu làm cùng với thầy giáo cũ ở LSE là Tim Besley rất thú vị, tên là "Làm cho nền chuyên chế chạy được" (Making Autocracy Work), đã đăng trong cuốn sách "Thể chế và kết quả kinh tế" (Institutions and Economic Performance) do Elhanan Helpman biên tập. Link đến bài này có thể tìm trên google scholar, ví dụ như link từ STICERD: http://sticerd.lse.ac.uk/dps/de/dedps48.pdf. Bài tóm tắt mang tính phổ thông trên VoxEU ở đây: http://www.voxeu.org/index.php?q=node/356.

Bài này đặt tên để nhắc lại cuốn sách nổi tiếng "Làm cho nền dân chủ chạy được" (Making Democracy Work) của Robert Putnam. Besley và Kudamatsu phát triển theo quan điểm là trong những nền chuyên chế (tức là phi dân chủ) cũng có những lực lượng giám sát, cân bằng, gây sức ép với chính quyền hiện hành để đưa ra chính sách kinh tế hợp lý. Có điều, vì cơ chế khác nhiều với môi trường dân chủ, thường là không có sự ổn định giữa chính sách hay hay dở, nên kết quả là các thể chế chuyên chế có thể thành công, song cũng có thể gặp vô vàn thất bại. Đây là một quan điểm khá thú vị, và bổ sung thêm cho hai quan điểm chính về các nước chuyên chế trong khoa học kinh tế chính trị. Hai quan điểm chính này thuộc về Acemoglu và Robinson ("Những nguồn gốc kinh tế của nền dân chủ và nền độc tài" - Economic Origins of Dictatorship and Democracy), và Bueno de Mesquita và đồng tác giả ("Logic của sự sống còn trong chính trị" - Logic of Political Survival). Sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách hiểu những lực lượng giám sát và cân bằng (checks and balances) trong môi trường chuyên chế/độc tài. Acemoglu và Robinson chú trọng vào mối đe doạ cách mạng đến từ dân chúng, Bueno de Mesquita và đồng tác giả chú trọng vào vai trò của nhóm người có thực quyền lựa chọn ra lãnh đạo (họ đưa ra từ "selectorate", xuất phát từ select và electorate), còn Besley và Kudamatsu quan tâm đến hiện tượng nhà lãnh đạo bị thay thế nếu như không có khả năng đưa ra chính sách đúng đắn.

Tuesday, June 5, 2012

Sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng trong các bang ở Mỹ

Tôi đã nhắc qua về bài này trên blog Duy Lý Nhân, nhưng nghĩ lại thấy để bên blog này hợp lý hơn. Đây là một nghiên cứu mới của tôi về sự biệt lập của trung tâm chính trị và mức độ tham nhũng ở Mỹ mới được trích dẫn trên một số blog, báo LA Times và NPR:
Bài nghiên cứu gốc có tựa đề "Thủ phủ bị cô lập, mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, và tham nhũng: Bằng chứng từ các bang của Mỹ" có thể xem ở đây: http://www.mysmu.edu/faculty/quocanhdo/default_files/Papers/CorruptionStates%20%28May12%29_merged.pdf. (Tôi tạm dịch chữ "accountability" là "mức độ chịu trách nhiệm của chính quyền, nhờ mọi người tìm cách khác tốt hơn.)


Bài nghiên cứu này xuất phát từ chương trình nghiên cứu của tôi và anh Filipe R. Campante (bạn học cũ, hiện là Assistant Professor ở Harvard Kennedy School) về vai trò của sự tập trung dân chúng ở các trung tâm chính trị. Mạch suy luận điển hình trong chương trình nghiên cứu này là nếu dân chúng sống tập trung hơn xung quanh các trung tâm chính trị, thì dân chúng có ảnh hưởng hơn, có tiếng nói hơn đối với chất lượng chính sách và cuộc sống chính trị. Tuy vậy, tuỳ theo môi trường thể chế, sự ảnh hưởng này có cách thể hiện rất khác nhau. Trong câu chuyện ở Mỹ trong bài nghiên cứu này, thì kênh dẫn chính của ảnh hưởng của dân chúng là các phương tiện báo chí. Ở các bang có dân cư sinh sống gần với thủ phủ hơn, báo chí sẽ tích cực đưa tin về chính trị ở mức bang hơn, và vì thế chính quyền bang chịu sức ép và phải có trách nhiệm hoạt động trong sạch và tốt hơn. Một yếu tố khác là nhờ báo chí đưa tin nhiều hơn, cư dân sống gần với thủ phủ của bang cũng có xu hướng đi bầu cử ở mức bang nhiều hơn (trong khi điều này không ảnh hưởng đến việc đi bầu cử mức liên bang, như là bầu cử tổng thống.) Việc cư dân sống gần thủ phủ hơn cũng làm cho chính quyền bang lo chi tiêu cho chính sách công nhiều hơn, và hạn chế việc các nhóm lợi ích bơm tiền vào hoạt động chính trị. Cụ thể chi tiết có thể xem trong bài viết.

Chương trình nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu từ khoảng năm 2004, khi chúng tôi vẫn còn chung nhau một căn hộ ở Cambridge. Chương trình này cũng đã sinh ra một vài nghiên cứu, nhưng có lẽ bài viết về các bang ở Mỹ sẽ được giới khoa học kinh tế chú ý nhất.

Update: - Thực ra tôi đã nhắc đến một nghiên cứu khác trong chương trình nghiên cứu này, link ở đây: http://ytuongkinhtehoc.blogspot.sg/2010/09/nghien-cuu-cua-toi.html.
- Blog Marginal Revolution lại nhắc đến 2 bài nghiên cứu này ở đây: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2012/08/are-isolated-capital-cities-worse.html.