Nhân giải Nobel kinh tế năm nay một phần nhắc đến các thí nghiệm của Al Roth, tôi nhớ đến điều đầu tiên tôi được học về thí nghiệm trong kinh tế: Trong kinh tế, thí nghiệm không được "lừa gạt" người tham gia (no deception rule). Điều này khác với các ngành khoa học xã hội có thí nghiệm trên đối tượng con người, ví dụ như trong tâm lý học. Nhiều thí nghiệm nổi tiếng của tâm lý học, ví dụ như thí nghiệm của Milgram (1963) về giới hạn của sự dã man của con người trong hoàn cảnh bị điều khiển, thực hiện được và có ý nghĩa nhờ vào việc người tham gia bị lầm tưởng họ đang thực sự tra tấn một người khác (thực tế là chỉ có một người cộng sự giả vờ đang bị tra tấn). Lý do trong thí nghiệm kinh tế học không được lừa gạt đối tượng, và việc sử dụng cộng sự (confederate) bị ngăn cản, không phải vì yếu tố đạo đức, mà chủ yếu vì việc nó sẽ ảnh hưởng đến suy luận và kỳ vọng của những người tham gia các thí nghiệm khác trong tương lai. Nếu việc lừa gạt người tham gia thí nghiệm trở nên phổ biến, thì sau này những người tham gia các thí nghiệm khác sẽ dự trù được khả năng có lừa gạt (dù thực ra có thể không hề có), và vì thế sẽ thay đổi hành vi của họ. Như vậy, kết quả thí nghiệm không hoàn toàn phản ánh hành vi của con người theo đúng tinh thần thí nghiệm được thiết kế nữa.
Lấy một ví dụ: Trong một thí nghiệm, người chơi đầu tư một khoản tiền nhỏ làm một bài tập nhỏ (quizz), và được thông báo là sẽ được thưởng tỷ lệ theo điểm bài quizz. Sau thí nghiệm, một nhóm người chơi được chọn ngẫu nhiên và được cho thêm tiền thưởng gấp 2. Mục đích của thí nghiệm như thế này là để xem xem trong vòng quizz thứ hai, liệu những người được thưởng cao hơn có trở nên tự tin hơn, và làm bài tốt hơn không (ví dụ như thế). Thiết kế thí nghiệm như thế này đảm bảo được việc xác định chính xác kết quả của giải thưởng lên khả năng và tâm lý người chơi. Tuy vậy, vấn đề là người chơi vẫn bị lừa gạt (dù là lừa gạt tốt lên). Điều này ảnh hưởng đến tương lai các thí nghiệm khác. Ví dụ, thí nghiệm này sau này quá nổi tiếng, lên báo, đài vv. đến mức ai cũng biết. Như thế, bất kỳ người nào tham gia một thí nghiệm khác sau này cũng có thể nghĩ trong đầu rằng "biết đâu rằng mình sẽ được tăng gấp đôi khoản tiền thưởng, như trong cái thí nghiệm nổi tiếng đấy"; và việc này rõ ràng sẽ thay đổi động lực của người chơi. Thay đổi như thế nào cũng khó nói trước, và chính vì thế cả ngành kinh tế thí nghiệm muốn hạn chế sự lừa gạt trong thí nghiệm.
Điều này tôi được học trong một Summer school ở Trento về kinh tế hành vi và kinh tế thí nghiệm (có lẽ là David Laibson nhắc đến đầu tiên). Tôi nhớ trong lớp kinh tế thí nghiệm của Al Roth cũng nhắc đến. Gần đây, càng ngày tôi càng thấy có nhiều bài về thí nghiệm kinh tế, nhất là thí nghiệm trên điều kiện thực tế (field experiment), có phần nào sử dụng sự lừa gạt, theo nghĩa là người chơi không được biết chính xác về toàn bộ trò chơi ngay từ lúc đầu. Những bài báo đặc biệt nổi tiếng gần đây, của Karlan & Zinman (2009 Econometrica), Cohen & Dupas (2010 QJE) hay Ashraf, Berry & Shapiro (2010 AER), đều thiết kế thí nghiệm có sử dụng sự lừa gạt như vậy.
Có lẽ cũng nên model ảnh hưởng của việc này lên tập hợp người tham gia thí nghiệm (subject pool), thậm chí là nên test xem có ảnh hưởng đáng kể không.
Update: Vừa check thì hóa ra là chính Karlan đã làm về vấn đền deception trong thí nghiệm từ lâu rồi, bài ở đây. Phải nói là tôi rất thích các nghiên cứu của anh Dean Karlan.
Corin Wagen defends Leviticus (from my email)
7 hours ago